Lướt các cộng đồng luyện thi IELTS, mình thường bắt gặp câu hỏi
“Liệu trong 1 tháng, 2 tháng, hoặc từng ấy thời gian, em có thể đạt band này nọ kia?
Cùng với một số lời khuyên là những ý kiến phủ định, chê bai thẳng thừng “Mơ là được em nhé”, “Chơi đá xong chưa”…
Mình chưa từng vào tranh luận với những comment đó vì quá toxic và vì bản thân mình là minh chứng rõ nhất cho việc không gì là không thể. Quan trọng là mình hiểu bản thân đang ở mức nào, nỗ lực và thời gian mình bỏ ra để thực hiện hoá mục tiêu đó là bao nhiêu.
Thực ra những bạn đưa ra câu hỏi đó là những bạn chưa thực sự hiểu chính mình. Giới hạn sự cố gắng của bạn có thể lớn đến đâu? Bạn có thể dành bao nhiêu thời gian để ôn IELTS?
Nói về background mình chút, mình học ngành Ngôn Ngữ Anh. Nhưng bạn đừng vì thế mà cho rằng, à Ngôn Ngữ Anh à, thế thì được 8.0 là đúng rồi. Không có gì là đúng hay sai ở đây cả, mình biết những bạn học 4 năm Ngôn Ngữ Anh nhưng chỉ vừa đạt 6.5 để tốt nghiệp. Nhưng cũng có những bạn mình quen không hề học ngành này nhưng còn vượt 8.0.
Bản thân mình, trong một thời gian ngắn tự ôn không có bất kì mentor nào hỗ trợ vẫn vượt aim, mình có thể tự tin nói rằng điều đó nhờ vào sự kiên trì và sắp xếp thời gian biểu hợp lí.
DƯỚI ĐÂY LÀ LỘ TRÌNH VÀ TÀI LIỆU MÌNH DÙNG ÔN TẬP
GIAI ĐOẠN 1: YÊU LẠI TỪ ĐẦU
Sau khoảng thời gian 3 năm không động đến IELTS thì phần lớn các dạng kiến thức và cách làm bài đã bay sạch khỏi đầu mình. Không còn nào khác là tìm hiểu lại từ đầu, mình đã dành 2 tuần để lên kế hoạch, để đọc và xem x3 các dạng bài và kỹ thuật ôn tập. Mình tìm đọc sách và thông tin chuẩn trên website của IDP để hiểu kĩ về format và dạng bài thi của từng kỹ năng, notes lại cách phân bổ thời gian, chấm điểm và tips trong quá trình làm đề.
Ví dụ: Đối với dạng IELTS Listening có các phần Table Completion, Sentence Completion… đã được mình kết hợp với cái tên Word-filling vì có chung cách làm: đọc và gạch key, hệ thống ý theo flow, xác định dạng từ, nghe và take-notes.
Sau khi nắm được dạng bài, mình chuyển thực hành các dạng bài lẻ để làm quen với phong cách bài trước khi làm full test.
SÁCH MÌNH SỬ DỤNG:
- The official guide to IELTS
- Reading Hackers
- Cam 8-9
- IELTS Academic Writing
Nếu bạn đã quen với các dạng bài rồi thì cứ lướt qua bước này để tăng tốc quá trình ôn nhé.
2. GIAI ĐOẠN 2: CHẬM MÀ CHẮC
Ở giai đoạn này, mình đã xác định mục tiêu lớn nhất là nạp vào nhiều từ vựng nhất có thể.
Một trong những lí do chính mà điểm luyện đề cứ mãi dậm chân tại chỗ là từ vựng kém. Khi bạn không nạp đủ nhiều, thì đọc hiểu sẽ không tốt và thiếu vốn từ để phát triển ý trong Speaking và Writing.
Để nhận biết được từ vựng có kém không, bạn có thể đọc thử 1 test reading về một topic quen thuộc. Nếu bạn nhận thấy có nhiều từ quen mắt nhưng không nhớ nghĩa, điều đó đồng nghĩa với việc bạn đang yếu về từ vựng rồi đó.
Trong giai đoạn này, việc làm quen đề và phân bổ thời gian hợp lý cho các kỹ năng cũng như tìm được phương pháp luyện đề phù hợp là vô cùng quan trọng.
Mình đặt thời gian 2 ngày cho 1 full test Listening và Reading. Trong 2 ngày đó, mình không chỉ làm test mà còn chữa chi tiết các câu sai, ghi chép lại lí do làm sai, đọc lại câu đúng, dịch bài và note từ vựng trong bài. Việc học từ vựng trong các test sẽ giúp bạn tích luỹ được vốn từ theo từng chủ đề. Đối với mình đây chính là giai đoạn quan trọng nhất để không chỉ tăng từ vựng mà còn rút kinh nghiệm và tìm được phương pháp học đúng đắn.
- Listening: Sau khi check đáp án, mình sẽ nghe lại audio lần 1 để xem có thể nghe ra các đáp án cho những phần sai/hoặc còn bỏ trống không. Lần nghe lại thứ 2 sẽ kết hợp nghe và xem script để xác định lý do mình sai ở đây là gì, là do nối từ, hay từ mới?.Mình cũng nghe tiếp lần 3 để luyện shadowing và note lại từ vựng cần học.
- Reading: Thời gian tối đa là 50 phút làm bài, phân bổ 13 – 15 – 25 (section 1-2-3). Sau đó, khi đã quen dần format bài, mình sẽ tăng tốc và rút gọn thời gian còn 45 phút (13-15-20)
- Writing: Mỗi ngày mình viết một bài Writing task 1 hoặc Writing task 2. Sau khi viết, mình tự chữa đề và tham khảo ideas trong bài viết mẫu —> rút ra kinh nghiệm, cấu trúc và từ vựng khi viết bài
- Speaking: Chuẩn bị cho các topic part 1
SÁCH MÌNH SỬ DỤNG:
- Cam 10 – 12
- Simon Writing Task 1+2
- Speaking Forecast thầy Ngọc Bách
Thời gian: giai đoạn này kéo dài khoảng 1 tháng rưỡi
Bạn có thể đọc về kỹ năng shadowing tại đây
3. GIAI ĐOẠN 3: TĂNG TỐC VỀ ĐÍCH
Đây là thời điểm mình cảm thấy bản thân đã có những tiến bộ nhất định, đặc biệt là khoản từ vựng đã giàu lên trông thấy. Mình quyết định thay đổi chiến lược ôn tập lần nữa.
Thay vì 2 ngày, mình chuyển qua làm full test mỗi ngày, đồng thời chỉ xem kĩ các câu sai. Đối với câu đúng, mình chỉ đọc lướt đáp án và notes lại các từ vựng thấy xuất hiện nhiều. Vì vốn từ của mình đã tăng lên đáng kể sau giai đoạn 2 nên mình không cần dịch bài và học từ số lượng lớn nữa. Thay vào đó, mình học từ vựng có chọn lọc hơn.
- Listening: Mình tăng cường nghe thụ động và nghe các nội dung khác ngoài Cam
- Speaking: Triển khai ý part 2 và luyện tập part 1 mỗi ngày (30 phút).
- Writing: Viết 2 bài mỗi ngày và chữa bài cũng như đọc tham khảo một số đề khác với cùng dạng câu hỏi đó.
- Reading: Chỉ check kỹ đáp án sai và notes từ quan trọng.
SÁCH MÌNH SỬ DỤNG:
- Listening: Cam 13 – 15 + Nghe thụ động podcast, bài diễn thuyết, đôi lúc TED, và phim (mình đặc biệt yêu thích series Friends)
- Reading: Cam và học từ vựng trong cam
- Writing: Simon Writing Task 1+2 và các đề mới trong quý
- Speaking: Forecast thầy Ngọc Bách
Những chia sẻ trên phần lớn mang tính cá nhân do phù hợp với phong cách học cũng như trình độ của mình. Bạn có thể điều chỉnh để phù hợp với thời gian biểu cá nhân bạn. Chúc các bạn thi tốt và đạt aim.
Đọc thêm Chiến Thuật Ôm Trọn Điểm Reading