Trong một lần tư vấn cho một học sinh, em nói rằng em thích Ngôn Ngữ Anh lắm nhưng mẹ em phản đối. Mẹ bảo thi IELTS là được, sao phải mất 4 năm để học tiếng Anh
Một cuộc tranh luận đã nổ ra dạo gần đây trên MXH xuất phát từ bài đăng về việc người người nhà nhà đổ xô đi học tiếng Anh, học IELTS, đặt ra câu hỏi tương lai một quốc gia sẽ đi về đâu. Ý kiến trái chiều nhắc mình lại về một dạo nọ, chuỗi content về các ngành học vô dụng nhất tràn lan trên các nền tảng MXH (đặc biệt là Tiktok), xướng tên ngành Ngôn Ngữ Anh. Lạ là một số chủ kênh đánh giá lại là người không có trải nghiệm và xuất thân từ ngành học này ra. Câu hỏi đặt ra là, liệu những nhận xét đó có phản ánh đúng và toàn bộ về ngành học không?
Là sinh viên tốt nghiệp xuất sắc ngành Ngôn Ngữ Anh – Đại học Ngoại Ngữ, được coi là một trong những ngôi trường hàng đầu đào tạo về ngôn ngữ tại Việt Nam, đọc những nhận xét kia mình thấy rầu ngang. Vì vậy, mình quyết định viết bài chia sẻ này với mong muốn đem lại cái nhìn đầy đủ hơn cho những ai không hiểu kĩ về ngành, cung cấp góc nhìn chân thực hơn cho các bạn học sinh có ý định theo học. Dẫu vậy, bài viết ít nhiều mang cảm nhận cá nhân về chương trình và ngôi trường mình theo học nên có thể sẽ chưa lột tả hết khía cạnh ngành NNA giảng dạy ở các trường khác.
Ngôn Ngữ Anh là gì? Ngôn Ngữ Anh học gì?
Ngành Ngôn Ngữ Anh (NNA), tiếng anh là English / English Linguistics, tập trung vào học và nghiên cứu sâu về ngôn ngữ, văn học, và văn hoá các quốc gia nói ngôn ngữ đó, đồng thời cung cấp kĩ năng và kiến thức chuyên ngành cho một định hướng công việc cụ thể. Về cơ bản, sinh viên ngành NNA không học những ngữ pháp bạn thường thấy ở chương trình các cấp (đương nhiên rồi, đây là ĐẠI HỌC mà) và cũng không học theo chương trình phục vụ thi chứng chỉ như IELTS, TOFLE,… như nhiều người lầm tưởng. Bạn có thể hình dung chúng mình đang nghiên cứu những thứ sâu xa vũ trụ hơn, ví như cấu tạo từ, nguồn gốc, hay hình thái từ,…
Chương trình học NNA bao gồm:
- Khối kiến thức thực hành tiếng hoặc Tiếng Anh Cơ Sở (mỗi trường sẽ có những tên gọi khác nhau): rèn luyện 4 kỹ năng Listening – Reading – Writing – Speaking và tăng cường từ vựng, ngữ pháp
- Khối kiến thức đại cương giống các trường Đại học khác: Triết học, Tư tưởng Hồ Chí Minh,…
- Khối kiến thức chuyên ngành ngôn ngữ: Ngữ Âm, Âm Vị, Hình thái, Cú Pháp, Ngữ Nghĩa (Và không phải tất cả các trường đào tạo ngôn ngữ đều giống nhau, có những trường bắt buộc sinh viên học cả 5 nhánh này, nhưng có trường thì tăng/giảm môn dựa trên lựa chọn định hướng của sinh viên)
- Khối kiến thức về văn hoá xã hội các nước nói tiếng Anh
- Khối kiến thức và kĩ năng cho định hướng ngành (công việc) cụ thể
- Khối thực tập và Khoá luận tốt nghiệp
Vậy định hướng ngành là gì? Không phải đó chính là ngành ngôn ngữ rồi sao?
Đến năm 3, sinh viên ngành NNA sẽ phải lựa chọn một định hướng ngành cụ thể. Mỗi trường có các định hướng khác nhau tuỳ vào hướng giảng dạy và chương trình thiết kế. Đối với Đại học Ngoại Ngữ (ULIS), 4 định hướng gồm: Biên Phiên Dịch, Quản Trị Học, Ngôn Ngữ Học Ứng Dụng, và Quốc Tế Học. Trong khi đó, Đại học Hà Nội (HANU) có 2 định hướng là Biên Phiên Dịch và Phương Pháp Giảng Dạy Tiếng Anh, còn Học viện Ngoại Giao (DAV) gồm Biên Dịch và Phiên Dịch (chương trình học của DAV sẽ có các môn học về ngoại giao, truyền thông, quan hệ quốc tế,…)
Vậy ngành Ngôn Ngữ Anh có vô dụng không?
Mình từng nghe một câu nói khá đúng: “Ngành học không vô dụng, chúng ta mới vô dụng.”
Với kiến thức và kĩ năng về một định hướng ngành cụ thể kể trên, sinh viên có thể lựa chọn nhiều công việc khác nhau: Biên dịch viên, Phiên dịch viên, Chuyên viên đối ngoại, Trợ lý Giám đốc,… và mức lương ra trường không hề kém cạnh so với các ngành khác, đặc biệt là khi bạn đã có kinh nghiệm intern hoặc làm việc part-time trước khi tốt nghiệp. Cá nhân mình từ trước khi tốt nghiệp đã đi thực tập Biên dịch cho một công ty truyền thông với offer lương nhân viên chính thức là 12 triệu. Các bạn của mình trong thời gian học cũng đi dạy ở trung tâm với thu nhập trên dưới 10 triệu.
Thậm chí, các bạn sinh viên có thể học thêm các kĩ năng, văn bằng khác trong thời gian học tập tại trường (Các trường trong khối ĐHQGHN có thể học song bằng) thì khi ra trường, bạn có thể làm trái ngành hoặc làm nhiều công việc cùng lúc. Thực tế, không có trường đại học nào dạy bạn tất cả các kỹ năng, bạn cần tự trau dồi thông qua môn học, hoạt động ngoại khoá và chính công việc của mình. Một số thầy cô mình biết vừa làm giảng viên, vừa mở trung tâm Tiếng Anh, hoặc đi dịch hội thảo, làm cố vấn cho các tập đoàn, công ty,…
Bằng IELTS có tương đương bằng Ngôn Ngữ Anh?
Không thể phủ nhận IELTS đang vô cùng phổ biến và có vai trò quan trọng trong nhiều trường hợp, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc tấm bằng NNA chỉ có giá trị ngang với bằng IELTS.
Không phải cứ sinh viên ngành NNA thì sẽ 8.0 IELTS trở lên, và không phải ai 8.0 IELTS thì đều học tốt và đạt thành tích cao trên trường.
Bởi còn rất nhiều môn học khác ngoài khối kiến thức về ngôn ngữ.
Chúng mình, ULIS-ers, được hướng dẫn viết essay từ năm 1-2 và có thể viết được các dạng writing trong IELTS, nhưng đó mới chỉ là tiền đề để sau này viết reflection, assignment, hay thậm chí là thesis cuối khoá. Hay kĩ năng thuyết trình (presentation) bằng tiếng Anh mà chúng mình phải thực hiện trong hầu hết các môn học, giờ đây giúp mình có thể tự tin thuyết trình trong công việc, chứ không chỉ là phần nói dài 2 phút trong IELTS Speaking Part 2.
Như vậy đủ để thấy ngành NNA có thể cho bạn nhiều hơn chỉ một tấm bằng IELTS, và rõ ràng ngành học này cũng không hề vô dụng như suy nghĩ của nhiều người.
Câu hỏi muôn thuở, học Ngôn Ngữ Anh ở đâu?
Ngoài 3 cái tên mình đã kể bên trên, còn rất nhiều trường đào tạo về NNA như Đại học Ngoại Thương, Đại học Thương Mại,… và mỗi trường sẽ có định hướng phát triển, môi trường học tập, chương trình giảng dạy, cơ hội nghiên cứu, việc làm khác nhau. Sẽ rất khó để đánh giá trường nào tốt hơn vì mỗi trường đều có mặt lợi và mặt kém. (Mình từng rất ghen tị với các bạn HANUers vì cơ hội học trao đổi, tham gia chương trình liên kết trả phí, nhưng giờ thì ULIS cũng đã có, chỉ tiếc là mình đã ra trường).
Để lựa chọn được trường phù hợp, mình khuyên các bạn học sinh nên đọc bài giới thiệu chương trình học trên website trường (như DAV thậm chí còn có phần mô tả chi tiết các môn), ngoài ra có thể tham khảo từ các sinh viên, cựu sinh viên tại trường (hãy join các group sinh viên trường), nhưng hãy nhớ giữ “cái đầu lạnh” để đánh giá khách quan nhất nhé, vì bất kì ý kiến nào cũng đều mang những cảm nhận chủ quan khi đưa ra nhận xét.
Hy vọng những chia sẻ trên sẽ phần nào thay đổi suy nghĩ không chính xác về ngành Ngôn Ngữ Anh. Mình cũng mong bài viết sẽ giúp các bạn học sinh đưa ra quyết định đúng đắn hơn, truyền cho các em một chút động lực và may mắn nhé.