Tiếp nối bài viết trước về bộ hồ sơ apply chương trình Thạc sĩ của mình. Bài viết này tập trung vào chứng chỉ bên ngoài và các mối quan hệ.
3. CV/Resume
Tương tự khi ứng tuyển cho một công việc, CV được coi như tài liệu tổng hợp mọi thông tin, quá trình học tập và tham gia hoạt động, cũng như các thành tích nổi bật. Với mình thì đây là phần tài liệu không kém quan trọng. Tại sao?
Thử tưởng tượng khi hội đồng nhìn vào bất kì loại giấy tờ nào trong bộ hồ sơ, họ chỉ đánh giá được một phần con người bạn. Ví dụ từ bức thư động lực, họ biết rằng bạn là một cô gái trong độ tuổi 20 với khát vọng cháy bỏng được học tập tại một môi trường quốc tế phát triển. Từ chứng chỉ ngoại ngữ, họ đánh giá bạn có đủ khả năng để theo học tại ngôi trường này. Nhưng CV thì khác. Nó giống như một bức chân dung hoàn hảo về bạn. Ngay cả khi hội đồng không biết mặt bạn nhưng vẫn có thể mường tượng ra con người bạn qua CV.
Tuy nhiên có một vài điểm khác biệt giữa CV ứng tuyển bậc học Thạc sĩ với CV cho người đi làm. Quan trọng nhất là mọi thông tin cần được tóm gọn và trình bày rõ ràng. Lí tưởng nhất là trong một trang CV. Thông tin cơ bản gồm:
- Contact Details
- Study/Education
- Work Experience
- Achievements
- Skills & Certifications
Tuỳ theo yêu cầu của trường mà CV của bạn sẽ được customized cho phù hợp. Nếu chương trình học, hoặc học bổng chú trọng vào kết quả học tập (merit-based) thì phần Education/Study cần được tập trung và làm nổi bật. Bạn có thể đưa các thông tin như GPA, đề tài Thesis, Nghiên cứu khoa học, các môn học liên quan, chứng chỉ phục vụ ngành học, vv. Tham khảo CV mình đã sử dụng tại đây.
Chỉ cần khoảng 1 tuần để bạn tập trung viết CV, nhận feedback và hoàn thiện.
4. Recommendation Letter/Reference
Khác với Motivation Letter, Recommendation Letter là thư giới thiệu được viết bởi người khác về bạn. Từ lúc apply Master’s đến khi chính thức học tập và tìm kiếm công việc tại Ireland, mình nhận ra thư giới thiệu là một tài liệu vô cùng phổ biến và cần thiết. Một bức thư giới thiệu tốt sẽ tăng cơ hội bạn được nhận vào chương trình học và cả công việc tại tất cả các quốc gia châu Âu.
Hiểu đơn giản thì hội đồng tuyển chọn muốn có một cái nhìn đa chiều về bạn. Vì vậy, họ muốn nhìn từ góc độ của một người khác chứ không chỉ bạn tự đánh giá bản thân mình.
Đối với mình thì đây là một tài liệu tuyệt vời. Những điểm mạnh bạn chưa thể đưa vào SOP có thể khéo léo khoe ra tại Recommendation Letter. Hoặc đơn giản là nhấn mạnh những lợi thế của mình theo một góc độ mới.
Từ kinh nghiệm xin Reference của mình thì khi còn đi học, bạn nên tạo mối quan hệ tốt với thầy cô. Với những bạn đã đi làm thì mối quan hệ có thể là cấp trên hoặc đồng nghiệp. Khi đi học, vì mình là cán bộ lớp nên luôn giữ liên lạc với các thầy cô để trao đổi vấn đề trong lớp. Ngoài ra mình cũng thường xuyên nhắn hỏi thầy cô về bài học trên lớp. Vì vậy, khi mình xin thư giới thiệu, các thầy cô đã rất nhiệt tình hỗ trợ.
Xin Recommendation Letter từ thầy cô nào và xin như nào?
Đầu tiên mình dựa trên mức độ thân thiết với thầy cô. Khi thầy cô càng hiểu mình thì càng đưa ra những nhận xét chính xác hơn. Đó chính là điểm giúp bạn nổi bật trong Recommendation Letter.
Một khía cạnh khác là nên xin thư giới thiệu từ thầy cô giảng dạy bạn các môn học liên quan đến chương trình Thạc sĩ bạn muốn theo học. Một trong những thầy cô mà mình nghĩ đến đầu tiên là thầy Quang. Thầy là giảng viên hướng dẫn khoá luận tốt nghiệp và cũng từng giảng dạy mình môn học khác, là người mình siêu siêu ngưỡng mộ. Như vậy thì thầy đã có sự hiểu biết nhất định về mình, về khả năng học thuật và kĩ năng leadership qua các hoạt động lớp. Và thầy đã cho mình luôn chiếc Recommendation Letter siêu xịn chỉ sau một ngày mình gửi mail cho thầy trình bày nguyện vọng học Thạc.
Nên tự viết Recommendation Letter hay nhờ thầy cô viết?
Vì thầy cô rất bận rộn nên lí tưởng nhất là bạn nên nhắn xin thầy cô trước 1-2 tháng. Đôi khi một số thầy cô rất sẵn lòng hỗ trợ nhưng không thể dành thời gian viết Reference cho bạn, nên thường thì thầy cô sẽ bảo bạn viết sau đó thầy cô chỉnh sửa và kí tên. Và để viết được thì bạn cần đặt mình vào góc nhìn thầy cô khi viết về một bạn sinh viên.
Trong RL mình lựa chọn tập trung vào hai điểm – khả năng học thuật và leadership skill. Đây cũng là điểm mà thầy cô quan tâm và biết nhiều nhất khi tiếp xúc với bạn. Về phương diện học tập, trong thư nhấn mạnh mình có đầy đủ các kĩ năng và kiến thức để theo học Master’s degree. Những kĩ năng học thuật đó (academic skills) đã được thể hiện như nào trong lớp và trong các assignments, giúp mình trở thành một ứng ứng viên tiềm năng. Còn khả năng leader thể hiện qua các mình lãnh đạo và quản lí lớp.
Có một lời khuyên mình nhận được từ một người chị làm trong lĩnh vực du học, chị ấy cũng đồng thời là sếp của mình và viết thư giới thiệu cho mình. Mình đã suy nghĩ đến việc chuẩn bị sẵn một bức thư và email giáo viên nhờ kí tên vì mình biết thầy cô rất bận rộn. Nhưng chị đã khuyên rằng mình hãy cứ email nhờ thầy cô giúp trước. Nếu thầy cô đồng ý viết Reference thì rất tuyệt. Còn nếu thầy cô trả lời rằng không có thời gian viết giúp bạn thì bạn có thể đề xuất trong thư trả lời rằng bạn có thể tự viết và nhờ thầy cô chỉnh sửa kí tên. Việc email kèm thư giới thiệu mình tự viết có thể bị coi là đang đánh giá thấp khả năng thầy cô.
Đọc thêm Có Gì Trong Hồ Sơ Apply Chương Trình Thạc Sĩ Của Mình (P1)