Học ngôn ngữ cũng giống như học bất kỳ kiến thức mới nào khác, nếu không có sự luyện tập thường xuyên, người học sẽ nhanh chóng quên đi những gì đã tiếp thu.
Mình đã gặp khá nhiều trường hợp các bạn tâm sự và xin lời khuyên về việc học lại tiếng Anh từ đầu do mất gốc. Mà điều khiến gây phân vân nhất là có nên lựa chọn đăng ký khoá học tại trung tâm hay không. Có không ít người bỏ ngang giữa chừng do nản chí, hoặc chi theo phí lộ trình quá lớn.
Thật ra bạn hoàn toàn có thể tự học tiếng Anh lại từ đầu nếu biết xây dựng lộ trình và tìm được tài liệu học phù hợp.
1. Bảng phiên âm IPA:
Học cách phát âm là điều đầu tiên cho bạn học lại tiếng Anh từ con số 0. Đây cũng là điều mình hỗ trợ tất cả các học viên dù có tham gia khoá học phát âm của mình hay không. Đương nhiên phát âm tốt không phải là tất cả, nhưng đó là nền tảng cho kỹ năng Speaking – điều mà mọi người học tiếng Anh đều hướng tới. Vì vậy đừng ngại học phát âm lại từ đầu với bảng phiên âm IPA nhé!
Hiện tại mình vẫn đang cung cấp Khoá học Phát Âm Chuẩn Tiếng Anh (Perfect English Pronunciation) cho những người muốn học lại từ đầu. Nếu quan tâm đến khoá học, bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin và đăng ký học tại LINK này.
2. Ngữ pháp tiếng Anh:
Nhiều bạn dù đã học đến 12 năm ngữ pháp tiếng Anh vẫn có thể quên sạch nếu không luyện tập thường xuyên. Mình không đánh giá cao chương trình học cũ của Bộ Giáo Dục tập trung vào ngữ pháp nhưng cũng không thể phủ nhận tầm quan trọng đặc biệt của ngữ pháp khi bạn học lại từ đầu. Nhưng bạn chỉ cần nắm được những ngữ pháp cơ bản như thì (tense), câu trực tiếp – gián tiếp, câu bị động,… Ngữ pháp nâng cao chưa thực sự cần thiết trong giai đoạn này.
3. Từ vựng:
Không phải ngẫu nhiên mà từ vựng và ngữ pháp luôn là hai yếu tố đi liền với nhau. Có rất nhiều phương pháp giúp bạn cải thiện vốn từ vựng, nhưng không phải phương pháp nào cũng phù hợp với tất cả mọi người.
Phương pháp tốt nhất mà mình từng áp dụng là Spaced Repetition Technique – Kỹ thuật học từ vựng lặp lại ngắt quãng. Nói đơn giản thì bạn sẽ chuẩn bị một list từ vựng và đọc list từ đó nhiều lần theo một chu kỳ nhất định (ví dụ 1 tiếng/1 lần). Phương pháp này được nghiên cứu rất có lợi cho việc ghi nhớ dài hạn (long-term memory). Và lời khuyên của mình là hãy ghi chép từ theo một ngữ cảnh, chủ đề cụ thể, đừng học lẻ (ví dụ: 20 cụm từ phải nhớ trong IELTS Writing).
4. Nghe và Đọc:
Tại sao mình lại chỉ đề xuất luyện Nghe – Đọc trong giai đoạn này thay vì học đều cả 4 kỹ năng. Nghe và Đọc chính là hai kỹ năng đầu vào (input) trong khi Nói và Viết chính là đầu ra (output). Chỉ khi bạn nạp đủ đầu vào thì mới cho ra được kết quả mong muốn. Nói cách khác, Nghe và Đọc chính là tiền đề giúp bạn phát triển hai kỹ năng còn lại, chỉ khi Nghe và Đọc ổn thì Nói và Viết mới bắt đầu khởi sắc.
Nên kết hợp cả nghe chủ động và nghe thụ động để nạp vào nhiều nhất có thể. Nội dung nghe có thể podcast, phim, chương trình thực tế (show)… về bất kỳ chủ đề nào khiến bạn thấy hứng thú. Và đừng quên luyện tập thói quen note-taking và shadowing để bật nhanh hơn trong quá trình ôn luyện nhé.
Về phần đọc, mình không khuyến khích bạn đọc các bài báo dài từ các kênh báo chính thống do có quá nhiều từ vựng khó (trừ trường hợp bạn là người thích đọc báo và theo dõi tin tức). Hãy lựa chọn truyện hoặc các bài chia sẻ, bài viết về chủ đề bạn quan tâm và bắt đầu với dạng bài ngắn trước khi tăng dần độ dài bài đọc nhé.
Việc bắt đầu học lại tiếng Anh cho người mất gốc chắc chắn sẽ rất khó khăn, tốn thời gian và dễ nản chí. But practice makes perfect. Khi bạn đặt ra những mục tiêu cụ thể và tuân thủ lịch trình thực hiện nó mỗi ngày, thành công sẽ luôn đồng hành bên bạn.
Follow mình để nhận các chia sẻ về quá trình học tiếng Anh và ôn thi IELTS nhé!