True/False/Not Given hay Yes/No/Not Given chỉ xuất hiện trong IELTS Reading. Đây là dạng bài có độ khó cao, khiến thí sinh dễ nhầm lẫn trong quá trình thi.
Trong giai đoạn ôn thi, mình cũng gặp không ít rắc rối với dạng bài này. Đồng thời mình đã đọc không ít chia sẻ trong nhóm ôn thi về việc điền nhầm giữa hai dạng. Cũng có nhiều bạn đã liên hệ nhờ mình phân biệt và hướng dẫn cách làm dạng câu hỏi khó nhằn này.
Vì vậy, trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ sự khác biệt giữa T/F/NG và Y/N/NG, cách làm và các tips trong quá trình luyện tập nhé!
Để làm tốt dạng đề này thì đầu tiên cần hiểu được yêu cầu của chúng.
Vậy True/False/Not Given là gì?
Đây là dạng câu hỏi yêu cầu người làm bài kiểm chứng, đối chiếu thông tin trong câu hỏi (statements) với thông tin xuất hiện trong bài đọc. Thông tin ở đây là các facts – chi tiết xác thực.
Sau khi đối chiếu, thí sinh sẽ quyết định xem statement đó là đúng (True), sai (False), hay không có trong văn bản (Not Given).
Yes/No/Not Given thì sao?
Format và cách làm dạng này hoàn toàn tương đồng với T/F/NG. Tuy nhiên, yêu cầu đối với câu hỏi Y/N/NG là người đọc cần kiểm chứng thông điệp, ngụ ý, hoặc ý kiến của tác giả.
Nói cách khác, thông tin sẽ không xuất hiện trực tiếp như T/F/NG mà thí sinh sẽ cần đọc bài và suy luận ẩn ý của tác giả sau những câu từ đó.
ĐIỂM GIỐNG VÀ KHÁC BIỆT GIỮA HAI DẠNG BÀI
Do sự tương đồng cao về format, yêu cầu, và phương thức xử lý câu hỏi, nhiều bạn dễ nhầm lẫn giữa hai dạng và điền sai đáp án khi làm bài.
Điểm khác biệt duy nhất nằm ở thông tin cần đối chiếu. Nếu đó là một thông tin thực (fact) thì đây chính là dạng T/F/NG, còn nếu yêu cầu là kiểm chứng là một ý kiến, thông điệp (opinion) thì bạn đang xử lý dạng Y/N/NG đó.
CHIẾN LƯỢC LÀM BÀI
Như mình đã đề cập ở trên, phương thức làm bài True/False/Not Given cũng tương tự như Yes/No/Not Given. Bạn chỉ cần nắm được các bước cơ bản, luyện tập thường xuyên, và thêm chút cẩn thận là sẽ không gặp bất kì khó khăn gì trong phòng thi.
Thực tế có nhiều phương pháp giải quyết hai dạng đề này. Thậm chí với cùng một cách làm, thí sinh có thể điều chỉnh các bước để phù hợp với thói quen ôn tập của mình hơn.
Sau khi đã luyện tập các phương thức được gợi ý từ những người đã đạt điểm cao trong kì thi IELTS, mình nhận ra phương pháp truyền thống – đọc câu hỏi và scanning bài đọc – vẫn là giải pháp phù hợp nhất cho mình. Với sự điều chỉnh các bước cho phù hợp với thói quen cá nhân, mình hầu như không còn mắc lỗi khi gặp dạng đề này nữa.
Bước 1: Luôn đọc kỹ yêu cầu đề bài – Xác định đó là dạng T/F/NG hay Y/N/NG
Thời gian đọc đề chỉ khoảng 10s nhưng cũng chính thói quen này có thể quyết định bạn làm đúng dạng hay mất toàn bộ điểm nếu nhầm lẫn giữa hai dạng. Mình có thói quen khoanh tròn vào yêu cầu để nhắc bản thân không làm nhầm đề
Bước 2: Đọc hiểu statements và gạch chân keywords
Hãy đọc và làm từng câu thay vì đọc tất cả các statements cùng lúc. Việc đọc tất cả khiến bạn tốn thêm thời gian mà lại giảm tập trung lên thông tin mình cần tìm kiếm.
Bước 3: Scanning passage
Đây là kỹ thuật làm bài quen thuộc trong đa số dạng câu hỏi. Sau khi đã xác định keywords rồi, bạn cần scan (đọc lướt tìm thông tin chi tiết) để tìm kiếm thông tin đó xuất hiện ở đâu trong bài.
Bước 4: Đọc hiểu kĩ câu văn chứa keywords
Sau khi xác định được phần nội dung chứa thông tin, việc cần làm là đọc hiểu kỹ câu đó. Nếu vẫn chưa thể xác định được đáp án, hãy đọc thêm câu trước và câu tiếp theo. Từ thông tin đã đọc, đối chiếu với statement và đưa ra đáp án.
Đọc thêm Chiến Thuật Ôm Trọn Điểm IELTS Reading
Các bước làm bài cơ bản có thể kể đến như trên. Nhưng vấn đề của nhiều người là xác định đáp án sai dù đã tìm được thông tin trong bài đọc.
Lỗi sai nằm ở việc bạn chưa thực sự hiểu statement hoặc chưa hiểu thông tin trong bài. Điều này xuất phát từ thói quen đọc lướt, đọc không kỹ thông tin, chỉ thấy cụm keywords xuất hiện là quyết định đáp án mà không thực sự hiểu thông điệp đã truyền tải là gì.
TIPS MÌNH ĐÃ ÁP DỤNG TRONG BÀI
- Phân biệt rõ False(No) và Not Given: Nếu đáp án False/No chỉ những thông tin trái ngược thì Not Given là thông tin không xuất hiện trong bài. Nói cách khác, khi gặp từ trái nghĩa, câu phủ định… với statements thì đáp án chính là False/No. Nhưng nếu thông tin không được nêu ra trong đoạn văn, hoặc đối tượng trong statement có xuất hiện nhưng khía cạnh được hỏi của đối tượng lại không được đề cập đến trong bài thì đó là Not Given.
- Luôn dự đoán từ đồng nghĩa và cách paraphrasing khi đọc câu statements
- Khi điền đáp án trong Answer Sheet, hãy viết dạng đầy đủ thay vì viết tắt (True thay vì T)
- Các đáp án True, False, Not Given (hoặc Yes, No, Not Given) luôn xuất hiện ít nhất một lần trong bài
Mong rằng với những chia sẻ về cách làm bài trên sẽ giúp bạn vượt qua khủng hoảng khi phải xử lý hai dạng bài này nhé.
Nếu bạn còn bất kì thắc mắc nào liên quan đến dạng bài này, hãy để lại comment bên dưới nha.