Dù tiếng Anh được tiếp cận bằng nhiều phương pháp khác nhau thì mục đích cuối cùng vẫn là sử dụng ngôn ngữ này như một công cụ để giao tiếp với thế giới. Nhưng đồng thời, giao tiếp tiếng Anh – kĩ năng nói, cũng là kĩ năng khó nhất để đạt đến sự thành thạo.
Nếu bạn tìm kiếm từ khoá luyện nói tiếng Anh trên Internet sẽ cho ra hàng ngàn kết quả. Có thể kể đến các khoá học giao tiếp với giáo viên, luyện nói 1-1 trên app, luyện với AI, luyện tập thông qua các nền tảng online chatting… Tuy nhiên, mỗi phương pháp đều có những điểm yếu riêng, ví như tốn kém chi phí, thậm chí tiềm ẩn nguy hiểm lộ thông tin cá nhân,…
Không phương pháp nào có thể biến bạn thành chuyên gia giao tiếp tiếng Anh chỉ thông qua các khoá học riêng lẻ. Điều quan trọng là bạn cần tìm được cách tự học phù hợp và dành thời gian cũng như sự nỗ lực luyện tập.
Năm phương pháp sau đây đã được mình áp dụng và thành công. Mình đã có thể giao tiếp tự tin và trôi chảy chỉ bằng cách tạo môi trường tự luyện giao tiếp.
1. Self-talk
Self-talk là phương pháp độc thoại, tức tự trò chuyện với bản thân. Nghe thì có vẻ kì cục nhưng cực kỳ hiệu quả, đặc biệt với các bạn hướng nội như mình. Vậy người học có thể self-talk về chủ đề gì?
Bạn có thể tạo một list (danh sách) các chủ đề xoay quanh cuộc sống hàng ngày hoặc các lĩnh vực bạn quan tâm. Với mỗi chủ đề bạn sẽ đưa ra một số câu hỏi, tương tự với IELTS Speaking Part 2. Sử dụng công cụ random topic và sau đó bắt đầu triển khai nói các ý tưởng về chủ đề đã chọn trong thời gian quy định. Một lưu ý nhỏ là hãy nói liên tục về chủ đề không ngắt quãng dù bạn mắc các lỗi ngữ pháp hay liên kết ý.
Cách thứ hai là tưởng tượng bản thân trong một vai trò nào đó. Ví dụ bạn là một chuyên gia thời trang, hay một người bạn được hỏi ý kiến về những vấn đề cơ bản trong cuộc sống… Phương pháp self-talk sẽ giúp rèn luyện sự trôi chảy (fluency), tự tin (self-confidence) và khả năng nói dài.
2. Shadowing
Đây là phương pháp đã đươc mình giới thiệu rất nhiều lần và xuất hiện trong hầu hết các bài viết về English speaking của mình. Shadowing là cách “nói nhại” theo audio. Khi áp dụng, bạn không tập trung vào script mà chỉ nghe và nhắc lại những gì nghe được. Nói cách khác, bạn tập trung vào các yếu tố pronunciation (phát âm), intonation (ngữ điệu), và accent (giọng điệu) thay vì thông điệp bài nói.
Các bước thực hành shadowing gồm nghe audio 1-2 lần đầu và nhẩm theo audio, tiếp theo bạn sẽ nhắc lại theo audio ở lần nghe thứ 3. Bạn cần giữ tốc độ shadowing theo tốc độ audio, không ngừng lại để sửa lỗi sai.
Shadowing sẽ giúp cải thiện phát âm, ngữ điệu và cả giọng điệu khi nói tiếng Anh. Ngoài ra shadowing cũng là một phương pháp tốt để luyện nghe tiếng Anh.
Đọc thêm Shadowing – Kỹ Thuật Bạn Nên Biết Khi học Listening & Speaking
3. Role-play
Tương tự shadowing, đây là phương pháp bắt chước lại những gì bạn đã nghe được. Tuy nghiên role-play phức tạp hơn và cũng thú vị hơn. Role-play là nhập vai, tức mô phỏng không chỉ giọng nói mà còn biểu cảm, thậm chí hành động của nhân vật đó. Phương pháp này thú vị hơn vì nó giúp phần speaking có cảm xúc và thần thái hơn.
Nguồn tài liệu phù hợp nhất là các bộ phim và show thực tế. Tiêu biểu phải kể đến sitcom Friends, một series phim Mỹ nổi đình đám trong cộng đồng học tiếng Anh. Có những phân đoạn phim hài hước đến mức mình role-play đồng thời vài nhân vật với giọng điệu và biểu cảm khác nhau. Ví dụ như phân cảnh Chandler chia tay Janice. Áp dụng role-play thường xuyên sẽ giúp bạn luyện phát âm, giọng điệu, luyện nghe và tăng cường từ vựng giao tiếp hàng ngày.
4. Speeching
Phương pháp này có phần tương đồng với self-talk. Điểm khác biệt là thay vì random topic hay tưởng tượng một phân cảnh, mình sẽ nghe một bài diễn thuyết (speech) của một diễn giả về chủ đề mình quan tâm hoặc yêu thích. Sau khi nghe vài lần và notes lại các ý, mình sẽ mô phỏng lại bài speech bằng cách nói dựa trên các ý đã ghi chú. Quá trình luyện nói sẽ kết hợp các ý tưởng và tư duy của bản thân mình.
Đương nhiên bài nói của bạn sẽ không thể logic và đầy đủ như diễn giả nhưng đây là một cách phát triển tư duy và nạp thêm kiến thức rất tốt. Phương pháp speeching sẽ giúp bạn nói tiếng Anh trôi chảy và tự tin hơn đó.
5. Recording messages
Đây là cách mà mình tự nghĩ ra, phát triển dựa trên sự “lười biếng” của bản thân. Phải bạn không nhìn nhầm đâu, nó đơn giản bắt đầu bằng sự lười biếng của mình khi nhắn tin trả lời trên các nền tảng mạng xã hội.
But it turns out to be a useful method.
Thay vì nhắn tin mình sẽ voice recording để tiết kiệm thời gian. Trong quá trình record, nếu bạn mắc lỗi sai, bạn hoàn toàn có thể xoá đi và làm lại. Và đương nhiên mình còn có thể nghe và check lại phần speaking của mình sau khi đã gửi đi. Điều này giúp mình nhận ra rất nhiều lỗi khi nói tiếng Anh.
Đây chỉ là 5 trong số rất nhiều cách mình đã thử và thấy có hiệu quả. Đặc biệt đây còn là phương pháp học miễn phí, dành cho những người ngại giao tiếp với người khác.
Hãy thử và cho mình biết phương pháp nào hiệu quả với bạn nhé!